Với mong muốn con mình được phát triển toàn diện về tư duy, nhiều bậc phụ huynh luôn tìm kiếm các phương pháp giáo dục tiên tiến và hiệu quả. Trong đó “Toán tư duy” là khái niệm dành được nhiều sự quan tâm từ các bậc phụ huynh trong thời gian gần đây. Vậy toán tư duy là gì, cách dạy toán tư duy cho trẻ sao cho phù hợp? Mời bạ theo dõi bài viết dưới đây.
Toán tư duy có gì điểm gì đặc biệt?
Toán tư duy tập trung giáo dục trẻ phát triển các năng lực như ghi nhớ, suy luận, sáng tạo, quản lý và sắp xếp vấn đề, từ đó trẻ có thể giải toán một cách nhanh chóng và hợp lý bằng tư duy của bản thân.
Thay vì tập trung vào các công thức hay khuôn mẫu, toán tư duy giúp bé có khả năng suy nghĩ độc lập và giải quyết vấn đề theo nhiều cách khác nhau. Trong toán tư duy thì sự chủ động và sáng tạo rất quan trọng, bố mẹ nên tập trung phát triển hai yếu tố này ở trẻ.
Phụ huynh hãy ghi nhớ điều này: Bản chất của bài tập toán tư duy cho trẻ không phải là biến con trở thành thần đồng trong thời gian ngắn, giải được những bài toán phức tạp mà là một phương pháp học toán mới mẻ, hiện đại, mang lại niềm vui trong học tập cho bé.
Những lợi ích của toán tư duy là gì?
Hiện này nhiều bạn nhỏ đang giải toán như một cỗ máy, chỉ biết làm theo công thức mà không biết đúng hay sai, cũng không rõ tại sao lại có cách giải như vậy.
Cách học toán này có thể dẫn đến tư duy rập khuôn, khiến môn toán trở nên nhàm chán và không thể áp dụng vào cuộc sống. Thay đổi phương pháp, tìm hiểu cách dạy toán tư duy cho trẻ em là điều mà phụ huynh nên làm để thay đổi thực trạng trên.
Toán tư duy mang lại rất nhiều lợi ích trong việc phát triển khả năng của trẻ, không chỉ trong môn toán mà còn trong nhiều môn học khác và trong đời sống hàng ngày:
- Tạo dựng nền tảng vững chắc về tư duy cho bé
- Kích thích não bộ phát triển từ sớm
- Khơi gợi và phát huy trí tưởng tượng, tính sáng tạo
- Giúp bé học tốt môn toán tại trường và các môn học cần tư duy logic
- Bé có thể tự giải quyết các vấn đề một cách độc lập
Theo nhiều chuyên gia, việc học toán tư duy có thể bắt đầu từ sớm, ngay từ khi bé học mẫu giáo. Độ tuổi 4 – 15 tuổi được cho là lý tưởng để phát triển tư duy, vì vậy bố mẹ đừng nên bỏ lỡ giai đoạn này.
Đặc biệt với trẻ bắt đầu vào tiểu học thì việc học toán tư duy là rất phù hợp bởi vào thời điểm này trẻ bắt đầu tiếp cận với kiến thức toán ở trường, có nền tảng tốt để phát triển tư duy.
Học toán tư duy không nhất thiết phải tham gia các lớp học mà có thể luyện tập ngay tại nhà với sự hỗ trợ từ phụ huynh.
Cách dạy toán tư duy cho trẻ mẫu giáo và tiều học
Dạy bé cách đếm số, cộng trừ, tìm quy luật
Đếm số và thực hiện phép tính cộng trừ là hai kĩ năng cơ bản nhất để trẻ làm quen với môn toán. Với trẻ mẫu giáo bố mẹ có thể hướng dẫn con nhận biết số, sau đó đếm các vật thể quen thuộc như trái cây, con vật, đồ vật để trẻ dễ hình dung hơn.
Với các bạn nhỏ ở năm đầu tiểu học thì bố mẹ nên đưa ra các phép tính gần gũi với cuộc sống hàng ngày để bé làm quen dần, bớt phụ thuộc vào việc đếm ngón tay. Các bài toán tìm quy luật, điền vào chỗ trống, xem đồng hồ sẽ giúp các bạn nhỏ tư duy mạch lạc và logic.
Sử dụng hình ảnh và màu sắc để kích thích tính sáng tạo
Thay vì nhưng dòng chữ hay công thức thì hình ảnh và màu sắc sẽ tăng cường trí tưởng tượng của bé tốt hơn. Những món đồ chơi toán học thú vị, bàn tính hay những cuốn sách được in màu, có nhiều hình ảnh chắc chắn giúp ích rất nhiều trong việc phát triển tư duy của bé.
Vì vậy ngoài giờ học chính khóa ở trường, bố mẹ nên cho con ôn luyện bằng các hình thức học mà chơi, chơi mà học để bé không cảm thấy gò ép, có thể phát huy tối đa khả năng sáng tạo.
Khuyến khích trẻ tự tìm ra lỗi sai
Một trong những cách dạy toán tư duy cho trẻ là dựa trên lỗi sai. Tìm được lỗi sai nghĩa là trẻ có thể tư duy logic và biết rút kinh nghiệm cho những lần sau.
Bố mẹ nên kiểm tra các bài tập của con, không nên tức giận khi con làm sai mà nên hướng dẫn con nhìn nhận khuyết điểm, giảng giải cho con lỗi mắc phải và cách tránh lỗi đó.
Hướng dẫn trẻ phát triển tư duy phản biện
Khả năng phản biện thể hiện tư duy độc lập của bé. Để giúp con phát triển tư duy phản biện, phụ huynh có thể đặt những câu hỏi, yêu cầu như “Tại sao con lại có lời giải này?”, “Tại sao con không chọn đáp án khác?”, “Con có cách làm nào nhanh hơn không?”.
Mặc dù lời giải thích của trẻ có thể chưa đầy đủ hoặc đi sai hướng nhưng quan trọng là phụ huynh cần lắng nghe, chấp nhận ý kiến của con và hướng dẫn con đưa ra chính kiến của mình một cách tốt hơn.
Trên đây là những cách dạy toán tư duy cho trẻ từ sớm mà chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của chúng tôi.