Sau khi làm quen với các con số, các bạn nhỏ sẽ bắt đầu bước vào thế giới của những phép tính thú vị, tuy nhiên khi mới tiếp cận với những bài toán tính nhanh lớp 1, bé sẽ còn gặp nhiều khó khăn và nhầm lẫn khi tính nhẩm. Vì vậy Sigma Books sẽ chia sẻ cho bố mẹ những phương pháp dạy bé thực hiện bài toán tính nhanh lớp 1 hiệu quả.
Tại sao bé liên tục làm sai những bài toán tính nhanh lớp 1?
- Đối với một học sinh lớp học đầu cấp, tư duy và sự tiếp thu của bé còn chậm nên việc thực hiện các bài toán tính nhanh lớp 1 sẽ có xảy ra sai sót.
- Không thuộc bảng cộng, bảng trừ trong phạm vi 10, một trong những phần kiến thức quan trọng trong việc dạy bé học toán tính nhanh
- Chưa hiểu cách cộng, trừ nhẩm dẫn đến tính toán kết quả sai
Bí quyết dạy bé kỹ năng làm bài toán tính nhanh lớp 1
Các bạn nhỏ sẽ bắt đầu làm quen với việc tính toán nhờ vào sử dụng các đồ vật như que tính, đồ chơi hay ngón tay, ngón chân. Đến lúc lên cấp vào tiểu học, các con sẽ dần dần thực hiện các bài toán tính nhanh lớp 1 bằng tư duy nhận thức và không còn sử dụng các công cụ đó nữa.
Hành trình học toán tính nhanh lớp 1 của trẻ sẽ không hề dễ dàng, vì vậy bố mẹ hãy “bỏ túi” những phương pháp rèn luyện kĩ năng tính toán cho trẻ dưới đây:
Giúp con có cảm nhận về những con số
Bên cạnh việc cho bé nhận biết mặt số và cách gọi của những con số, bố mẹ nên dạy cho con thêm về ý nghĩa của các con số và cảm nhận về chúng. Việc dạy số sẽ hiệu quả khi bố mẹ kết hợp với dạy đếm số lượng, hãy ví dụ cho bé những hình ảnh thật gần gũi như trên 1 bàn tay có 5 ngón, 2 bàn tay có 10 ngón chẳng hạn.
Hướng dẫn con tập đếm cách nhiều đơn vị
Bố mẹ sẽ hướng dẫn và cho con hiểu được quy luật đếm tịnh tiến là phép cộng và đếm giật lùi và phép trừ.
Đầu tiên bố mẹ sẽ cho con đếm lần lượt theo chiều tăng dần và giảm dần dãy số cách nhau 1 đơn vị như 1, 2, 3,… hoặc 10, 9, 8,… điều này có nghĩa là cộng thêm hoặc trừ 1 đơn vị sẽ được con số liền kề.
Tiếp theo là nâng lên cấp độ cách nhau 2 đơn vị, tương ứng với cộng hoặc trừ đi 2 đơn vị. Dần dần bố mẹ sẽ linh hoạt nâng cấp độ đếm số lên trong phạm vi 20, 50, 100 theo chương trình học toán tính nhanh lớp 1.
Dạy con tính nhẩm từ đồ vật đến tưởng tượng
Sử dụng ngón tay hay các đồ vật như que tính, đồ chơi,… để dạy con làm phép cộng trừ, điều này sẽ giúp trẻ hình dung rõ hơn về toán học. Sau đó hãy dạy trẻ tưởng tượng với những bài toán trừu tượng như có 4 quả táo trong rổ, mẹ cho em 1 quả thì còn lại bao nhiêu?
Chuyển việc học tập thành trò chơi đố nhanh
Những bài toán tính nhanh lớp 1 sẽ có phạm vi từ 10 đến 20, vì vậy bố mẹ hãy tạo ra một trò chơi đố nhanh đơn giản về phép cộng trừ hoặc những câu đố vui mang tính tưởng tượng như tay của em có 5 ngón, vậy 2 bàn tay của em có bao nhiêu ngón?
Hãy bắt đầu với những câu hỏi dễ giúp bé có hứng thú và thư giãn, chứ không nên đánh đố khiến bé dễ nản lòng.
Tùy vào khả năng tiếp thu và tâm lý của bé mà bố mẹ hãy linh hoạt ứng biến giúp bé có những giờ học toán tính nhanh lớp 1 thật hiệu quả và thoải mái.
Các phương pháp giúp bài toán tính nhanh lớp 1 trở nên thật dễ dàng
Cách tính nhẩm với phép cộng toán tính nhanh lớp 1
- Sắp xếp vị trí các con số của phép tính trước khi tính nhẩm.
Ví dụ: chuyển phép tính 5 + 37 thành 37 + 5.
- Tách 10 đơn vị cho một lần cộng.
Ví dụ: 46 + 35 sẽ đổi thành 46 + 10 + 10 + 10 + 5
- Tách thành số tròn chục rồi cộng.
Ví dụ: 27 + 18 sẽ tách thành 27 + 3 (=30) + 15 hoặc sẽ là 30 + 20 rồi trừ đi 3 và 2.
- Dùng số tròn chục rồi trừ đi số thừa.
Ví dụ: 26 + 38 sẽ đổi thành 26 + 40 – 2
- Tách tất cả các số rồi cộng riêng lẻ với nhau.
Ví dụ: 26 + 17 sẽ là 20 + 10 + 6 + 7
Cách tính nhẩm với phép trừ toán tính nhanh lớp 1
- Đếm nhẩm từ số nhỏ lên đến gần số tròn chục.
Ví dụ: 24 – 18, sẽ đấm từ 20 đến 24 là 4 đơn vị, 18 đến 20 là 2 đơn vị. Khi đó lấy 4 + 2 sẽ ra kết quả phép tính 24 – 18 = 6
- Tách thành số tròn chục rồi trừ.
Ví dụ: 52 – 45 sẽ thành 52 – 40 – 5
- Dùng số tròn chục gần nhất và cộng với số thừa.
Ví dụ: 72 – 18 được tách thành 72 – 20 + 2
Các bạn nhỏ sẽ cần một hành trình dài để có thể làm quen với những bài toán tính nhanh lớp 1, bố mẹ hãy kiên trì hướng dẫn cho bé hiểu được bản chất của toán học thay vì “học vẹt”, khiến bé không thể phát triển tư duy.